Ông Núi là ngôi chùa có gốc tích cổ xưa và được nhiều người tin là rất linh thiêng ở Bình Định. Chùa tọa lạc trên Chóp Vung, đỉnh cao nhất trong danh thắng núi Bà. Vì thế, cứ đến ngày 24 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân và khách thập phương lại về Chùa Ông Núi – Linh Phong Thiền Tự (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) trẩy hội.
Tên Gọi Ông Núi Xuất Phát Từ Đâu?
heo tài liệu của chùa biên soạn năm 2001, chùa do ông Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Bang (Lê Ban) sáng lập năm Giáp Tý (1684) niên hiệu Chánh Hoà thứ 5 thời vua Lê Hy Tông (theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì chùa thành lập năm 1702 niên hiệu Chánh Hoà thứ 11). Thầy trò tu thiền nơi hang đá. Trước mặt có một suối nước từ chóp núi đổ xuống, nên hang đá mang tên “Dũng tuyền thạch cốc” (hang đá nước xối mạnh). Sau đó thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban để đi vào phía Nam tu hành.
Theo một số thư tịch, sư thường xuất hiện trước mắt người dân trong vùng dưới lớp quần áo tự làm bằng vỏ cây rừng nên được “gán” cho danh hiệu “Mộc y Sơn ông” (tức “ông núi mặc áo vỏ cây”). Vì thế cái tên Ông Núi chính là xuất phát từ danh hiệu “Mộc y Sơn ông” mà dân gian dùng gọi bậc chân tu khai tự này.
Tương truyền, ban ngày Ông Núi ở trong rừng đốn củi, bó thành bó lớn chỉ có sức ông mới gánh nổi mang xuống chân núi, để ở ngã ba rồi trở lên. Người dân quanh vùng đem gạo, muối đến để đó rồi gánh củi về dùng. Hôm sau ông hoặc đồng tử xuống núi lấy thực phẩm, nhiều ít không cần biết. Mỗi khi trong vùng có dịch bệnh thì tự nhiên nhà sư đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong rồi đi ngay, không nhận bất cứ một sự trả công nào.
Ngược Dòng Lịch Sử…
Năm Qúy Sửu (1733), Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho Ông Núi pháp hiệu Tĩnh giác Thiện trì Đại lão Thiền sư, cho xây lại Dũng Tuyền Tự, sau đổi tên Linh Phong Tự.
Năm 1888, Ðào Tấn – một nhà văn hóa lớn của nước ta, đã đến cư trú tại Linh Phong thiền tự một thời gian. Ông có bài phú đề nơi vách núi:
Một cảnh khói hoa trời tự tại
Mười năm hồ hải giấc quy lai
Ðây học trò lành âu cũng Phật
Ðó chùa tên Ông Núi ngỡ chốn Tiên.
Vì thế có thể nói Linh Phong thiền tự có một vị trí khá đậm nét trong cuộc đời và sáng tác của danh nhân Đào Tấn. Vị đại thần – bậc hậu tổ của nghệ thuật hát bội ấy – lúc còn làm quan đã từng dốc sức cho sửa sang nâng cấp ngôi chùa. Đào Tấn cũng chính là tác giả bài “Linh phong tự ký” còn được hậu sinh nhắc đến tận hôm nay.
Hơn thế nữa, ẩn trong dáng núi ấy còn biết bao dấu ấn lịch sử khác: nào là hòn Vọng Phu ở Vĩnh Hội (xã Cát Hải, Phù Cát) gắn với truyền thuyết về người phụ nữ ôm con đứng ngóng chồng, lâu ngày hóa đá; là đỉnh Hòn Chuông có phế tích tháp Chăm cổ. Thời Tây Sơn, trên vùng đất này có Tây Phủ Càn Dương (thôn Trường Thạnh, xã Cát Tiến) với cảnh buôn bán sầm uất của phủ ly và Hải tấn Nha phiên vẫn còn mãi lưu truyền… Rồi trong kháng chiến, nơi đây là căn cứ vững chắc của cách mạng ở khu Đông tỉnh Bình Định.
Và lễ hội chùa Ông Núi (ngày 24 tháng Giêng âm lịch hàng năm) chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Trừng Tịnh, một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chùa. Ngày giỗ đúng vào mùa lễ hội tháng giêng, nên thu hút khá đông khách hành hương.
Khám Phá Vẻ Đẹp Linh Phong Thiền Tự
Đứng trước sân Linh Phong thiền tự, phóng tầm mắt ra xa: đầm Thị Nại long lanh nước trải dưới ánh của một ngày nắng đẹp. Phía Tây và Nam là những mái nhà chen giữa đồng lúa xanh. Lại tự nhủ, rằng mình đang đứng ngay trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Bà hùng vĩ (Núi Bà – theo sách xưa chép là Bô Chinh đại sơn, tức là ngọn núi lánh cái chiêng).
Ảnh: Tuấn Lê (chụp từ đỉnh Linh Phong thiền tự)
Từ chánh điện Linh Phong thiền tự, đi về hướng tây có một cây cầu nhỏ dẫn lên các mộ Tháp và lên hang Tổ nằm trên núi phía sau chùa.
Hang Tổ nằm sát mép suối, đá tự nhiên che kín cả ba mặt như một ngôi nhà. Tương truyền đây chính là hang đá ngày xưa ông Núi từng ở, từng ngồi niệm kinh tụng Phật. Năm 2000, tượng ông Núi (thiền sư Lê Ban) được tạo dựng, đặt tại hang Tổ. Tượng ngồi cao 84 cm, nhũ vàng, do nghệ nhân Lê Ân thực hiện. Bên trong hang là những vách đá tự nhiên, tạo nhiều khoảng không gian thông nhau như những căn phòng của một ngôi nhà bằng đá, những tảng đá lớn xếp chồng nhau và dựng đứng, phía bên dưới là một khe nước từ trong lòng suối chảy ngang qua hang, với độ sâu hơn 5m. Có lẽ vì vậy mà trước đây chùa có tên là “Dũng tuyền thạch cốc” chăng?
Phía ngoài hang Tổ còn có nhiều khối đá xếp chồng nhau cũng rất lạ. Có những tảng đá xếp chồng ba hoặc chồng hai hòn với nhau. Có tảng rất giống hình một vị sư đang ngồi an nhiên giữa đất trời, mặc thời gian mãi trôi giữa thường hằng.
“Chùa Ông Núi mỏi chân mới đến
Nơi linh thiêng thờ cúng Phật tiên
Ra giêng lễ hội người đông đúc
Bốn phương thưởng ngoạn hết ưu phiền!”
– Thơ: Diệp Hoàng Thân –
0 comments :
Post a Comment
Chuyên trang của Công ty TNHH TMDV QUY NHƠN LAND
Hotline: 0981.02.22.02 (A.Tài)
Các comment mang tính chất quảng cáo Admin sẽ lọc và xóa.
Chân thành cảm ơn các bạn